Trong khuôn khổ dự án RAS1030, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đã giao Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) phối hợp cùng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tổ chức cuộc họp đánh giá giữa kỳ (Mid-term Review Meeting) của dự án. Cuộc họp đã diễn ra tại Đà Lạt từ ngày 28/8/2023 đến 01/9/2023. Tham dự cuộc họp có 14 đại biểu là đại diện đối tác (National Counterpart) của các nước Bangladesh, Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan, Saudi Arabia, Sri Lanka, Syrian Arab Republic, Thailand, Việt Nam và 02 đại diện của IAEA, ông Syahril Syahril – Quản lý dự án (Project Management Officer) và bà Hannah Affum – Chuyên gia kỹ thuật (Technical Officer).
Bắt đầu từ tháng 01/2022, IAEA triển khai dự án RAS1030 về “Sử dụng kỹ thuật đồng vị phóng xạ và mô phỏng tính toán động lực học chất lưu để khắc phục sự cố và tối ưu hóa các quy trình công nghiệp” (Using Radioisotope Techniques and Computational Fluid Dynamics Simulation for Troubleshooting and Optimizing of Industrial Processes) với mục tiêu khôi phục và đẩy mạnh các ứng dụng kỹ thuật đồng vị phóng xạ tại các nước thành viên dự án, đặc biệt là các kỹ thuật đánh dấu phóng xạ phối hợp CFD, kỹ thuật soi gamma, kỹ thuật chụp cắt lớp điện toán thông qua viện trợ thiết bị, các lớp đào tạo vùng (Regional Training course), các hội thảo chuyên đề (Regional Workshop), các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ (Certification Program), tham quan khoa học (Scientific Visit), chuyên gia (Expert Misson), đào tạo fellowship, các chương trình hợp tác giữa các nước thành viên, …
Trong nhiều trường hợp, quy trình chẩn đoán và khắc phục sự cố bất thường của các nhà máy xử lý, chế biến dầu khí, hóa chất đòi hỏi phải dừng một số thiết bị, dây chuyền sản xuất do đó làm tăng chi phí vận hành. Kỹ thuật đồng vị phóng xạ, đặc biệt là kỹ thuật soi gamma, kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ đã được chứng minh là các công cụ rất hiệu quả trong chẩn đoán, giải quyết sự cố trong các thiết bị, dây chuyền công nghiệp mà không cần dừng, can thiệp vào quá trình vận hành nhà máy.
Thông qua các dự án hợp tác hợp tác vùng châu Á và Thái Bình Dương do IAEA tài trợ và các dự án quốc gia đã được thực hiện từ nhiều năm qua, kỹ thuật đồng vị phóng xạ đã được ứng dụng hiệu quả vào lĩnh vực sản xuất, đóng góp một phần đáng kể trong công tác vận hành, khai thác an toàn và hiệu quả các nhà máy công nghiệp tại một số quốc gia trong khu vực. Một số kỹ thuật đồng vị phóng xạ tiên tiến cũng đã được nghiên cứu phát triển, ứng dụng như kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ kết hợp kỹ thuật tính toán động học chất lưu (CFD), kỹ thuật soi gamma cắt lớp, chụp cắt lớp điện toán. Các kỹ thuật, công nghệ nêu trên cung cấp được những kết quả trực quan, định lượng, tăng sức thuyết phục đáng kể trong công tác giới thiệu, quảng bá và ứng dụng kỹ thuật đồng vị phóng xạ đến khu vực sản xuất. Tuy nhiên ở một số quốc gia khác, kỹ thuật đồng vị phóng xạ vẫn chưa được triển khai, chưa được chấp nhận hoặc chấp nhận một cách dè dặt từ thực tiễn. Một phần lý do từ vấn đề an toàn bức xạ, một phần từ năng lực kỹ thuật trong đó có vấn đề liên quan đến trình độ nhân lực và chứng chỉ nghề nghiệp.
Trong 02 ngày đầu tiên, cuộc họp tập trung nghe và thảo luận xung quanh các báo cáo của thành viên tham dự. Qua đó, cuộc họp đã nắm bắt được tình hình chung, đánh giá được những kết quả nổi bật cũng như các mặt tồn tại tổng quát của các nước thành viên nói chung và tình hình thực hiện dự án của các nước nói riêng. Qua đó, Việt Nam – mà đại diện là Trung tâm CANTI được đánh giá rất cao về những kết quả đạt được trong thời gian qua trong cả 03 lĩnh vực kỹ thuật chính liên quan đến dự án.
Các đại biểu tham dự đã tham quan Trung tâm Lò phản ứng hạt nhân, Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ, Viện Nghiên cứu hạt nhân; phòng Kỹ thuật đánh dấu, phòng Vật lý và Kỹ thuật hạt nhân, Trung tâm CANTI. Tại Trung tâm CANTI, các đại biểu đã được tham quan, thảo luận trực tiếp với các thí nghiệm, thiết bị có liên quan, trong đó các đại biểu rất quan tâm đến thử nghiệm soi gamma cắt lớp và thiết bị chụp cắt lớp điện toán công nghiệp thế hệ thứ 3 mà Trung tâm CANTI đang chế tạo theo đơn đặt hàng của IAEA.
Các ngày tiếp theo, Hội nghị đã tập trung xây dựng chương trình làm việc cho giai đoạn 2024 – 2025, qua đó các thiết bị viện trợ cho từng các nước thành viên được xác định; lựa chọn được nước tổ chức các lớp đào tạo, hội thảo chuyên đề tiếp theo. Cuộc họp cũng đã đề xuất trong biên bản trình IAEA và Hiệp hội Đánh dấu và kỹ thuật bức xạ quốc tế (ISTRA) xem xét xây dựng Trung tâm hợp tác đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp về soi gamma và đánh dấu đồng vị phóng xạ tại khu vực Đông Nam Á. Được đánh giá cao, Việt Nam cùng với Malaysia, Thái lan và Indonesia được xem là các nước cung cấp nguồn lực, nhận được nhiều đề nghị tham quan khoa học, cử chuyên gia và nhận fellowship từ các nước khác./.
Một số hình ảnh về cuộc họp:
Ông Nguyễn Hữu Quang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học, công nghệ và đào tạo,
Trung tâm CANTI phát biểu khai mạc
Ông Đặng Nguyễn Thế Duy – Đại diện đối tác Việt Nam trình bày báo cáo
Các đại biểu tham quan Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà lạt
Ông Syahril Syahril – Phụ trách quản lý Dự án IAEA và các đại biểu tham quan thiết bị chụp cắt lớp điện toán công nghiệp thế hệ thứ 3
Tham quan mô hình thử nghiệm kỹ thuật soi gamma cắt lớp
Tham quan công nghệ đánh dấu mới được thiết lập tại Trung tâm CANTI – Phát hiện điểm phun khí trong giếng khai thác dầu bằng khí nâng (Gaslift)
Thảo luận, xây dựng chương trình thực hiện giai đoạn 2024 - 2025