Hội nghị quốc tế về ứng dụng bức xạ và đánh dấu lần thứ 8

Được cập nhật : 5/6/2020 4:08:15 PM

Được sự cho phép của Bộ Khoa học và công nghệ thông qua Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Hội nghị quốc tế về Ứng dụng bức xạ và đánh dấu lần thứ 8 (Tracer 8) đã diễn ra thành công tốt đẹp tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 26 – 28/2/2019 dưới sự phối hợp tổ chức của CANTI (Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Đà Lạt), PROGEPI (Trung tâm xúc tiến công nghệ trong công nghiệp, Nancy, Pháp) và ISTRA (Hiệp hội Ứng dụng đánh dấu và bức xạ quốc tế, Vienna, Áo)  

 

Hình 1: Toàn thể đại biểu tham dự hội nghị

 

Hội nghị quốc tế về đánh dấu lần thứ nhất (Tracer 1) được tổ chức tại Nancy, Pháp vào năm 1998. Cho đến nay, Hội nghị đánh dấu quốc tế đã trở thành một sự kiện khoa học uy tín, có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng phương pháp đánh dấu và bức xạ trong nhiều lĩnh vực. Hội nghị lần này có sự góp mặt của 53 nhà khoa học, nghiên cứu sinh đến từ 29 quốc gia khác nhau trên thế giới với hơn 100 báo cáo khoa học trong 5 lĩnh vực chính:

- Kỹ thuật đánh dấu trong môi trường, kỹ thuật môi trường, thủy văn, vận chuyển sa bồi, an toàn,

- Kỹ thuật theo dấu hạt phóng xạ, chụp cắt lớp phóng xạ, soi gamma, soi nơ tron tán xạ ngược,

- Kỹ thuật đánh dấu trong mỏ, ứng dụng trong khảo sát đơn giếng, liên giếng, địa nhiệt, an toàn đê đập,

- Lý thuyết, phương pháp đánh dấu mới, mô hình và mô phỏng,

- Kỹ thuật đánh dấu trong công nghiệp,

 

Phía Việt Nam có 4 bài trình bày tại Hội nghị của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp về nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật đánh dấu trong khảo sát dòng rò rỉ qua đập, khảo sát dầu còn lại trong mỏ và các kỹ thuật sử dụng tia bức xạ để khảo sát thiết bị công nghệ trong lĩnh vực lọc hóa dầu khí

 

Phát biểu tại lễ khai mạc sáng 26/2/2019, TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử đã khái quát về tình hình ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tại Việt Nam, nhấn mạnh về những kết quả nổi bật trong thời gian qua trong đó có những kết quả trong lĩnh vực đánh dấu và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp. TS. Hoàng Anh Tuấn chúc hội nghị đạt được nhiều thành công hơn nữa trong hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, nhanh chóng đưa được các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng.

 

Ngoài nội dung chính, các đại biểu tham dự hội nghị Tracer 8 còn tích cực trao đổi, đóng góp cho việc bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật nội dung của tiêu chuẩn ISO 2975 về các phương pháp đánh dấu xác định lưu lượng dòng chảy. Đây là hoạt động có sự điều phối của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Các đại biểu còn tham gia thảo luận, đóng góp cho định hướng hoạt động của ISTRA trong thời gian tới, tăng cường công tác thông tin liên lạc, trao đổi thông tin khoa học giữa các hội viên và đặc biệt là việc đào tạo, cấp chứng chỉ về kỹ thuật đánh dấu và kỹ thuật nguồn kín. Các đại biểu cũng đã thống nhất Vienna, Áo sẽ địa điểm tổ chức hội nghị lần thứ 9.

 

Hình 2: Một báo cáo khoa học của đại biểu đến từ Ma-rốc tại Hội nghị

Tin liên quan