Trong thời gian qua, nền kinh tế thế giới và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như hoạt động thương mại dịch vụ trên phạm vi toàn cầu. Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân công nghiệp (CANTI) cũng không nằm ngoài khó khăn, thách thức đó. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh đó, Lãnh đạo CANTI cùng toàn thể cán bộ viên chức và người lao động đã chứng tỏ được bản lĩnh, tinh thần tự lực, tự cường, luôn kiên trì, nỗ lực, sáng tạo tìm kiếm cơ hội “chèo lái” CANTI vượt qua “phong ba, bão táp” trước tác động của dịch Covid-19, biến “nguy” thành “cơ”.
Công ty TNHH MTV dịch vụ khảo sát và công trình ngầm (PTSC G&S) là một đơn vị thành viên của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam-PTSC, thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Trong thời gian qua, để khảo sát sự xâm nhập của nước vào trong chân đế giàn khai thác dầu khí biển, Công ty PTSC G&S thường phải thuê các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên không thể đưa chuyên gia vào được, chính vì vậy nhiều công trình chân đế giàn khoan đến thời hạn kiểm tra theo quy định không thể tiến hành được. Trước khó khăn đó, Trung Tâm CANTI đã phối hợp với Công ty PTSC G&S, phát triển công nghệ trong nước để không phải phụ thuộc vào nước ngoài.
Qua tìm hiểu tài liệu, hiện nay để khảo sát sự xâm nhập của nước vào trong chân đế giàn khai thác dầu khí biển, hiện nay có hai phương pháp đó là: Phương pháp siêu âm và phương pháp soi gamma truyền qua. Phương pháp siêu âm có nhược điểm là thời gian tiến hành dài ngày, dẫn đến chi phí dịch vụ tương đối cao. Phương pháp soi gamma truyền qua, cho thời gian thực hiện nhanh và do đó giá thành dịch vụ rất thấp so với phương pháp siêu âm (theo ước tính thấp hơn 40 lần). Phương pháp sử dụng nguồn gamma để khảo sát sự xâm nhập của nước vào trong chân đế giàn khai thác dầu khí biển là một bài toán ứng dụng cơ bản của kỹ thuật nguồn gamma. Tuy nhiên, cái khó ở đây là phải kết nối được với đường truyền cáp quang và hệ thống robot điều khiển tự động lặn sâu dưới đáy biển từ 60 đến 80m nước. Ngoài ra, với độ sâu đó, vấn đề làm kín nước hệ thống đầu dò và thiết bị điện tử cũng là trở ngại rất lớn. CANTI đưa ra giải pháp tích hợp toàn bộ đầu dò, cao thế, tiền khuyết đại, phân biệt sung, chuyển đổi tương tự sang số trong một thiết bị có đường kính khoảng 70mm dài 300mm được làm kín nước, chịu được áp lực trên 10atm. Trong vòng thời gian một tuần, CANTI đã đưa ra giải pháp và tiến hành thiết kế, chế tạo thiết bị, thử nghiệm và trình diễn cho các cán bộ kỹ thuật của Công ty PTSC G&S tại Vũng Tàu. Kết quả đã chứng minh phương án công nghệ, thiết bị của Trung tâm CANTI hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm đó, chiều ngày 28/01/2021, tại trụ sở của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, số 01 đường ĐT 723, phường 12, thành phố Đà Lạt. Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm (PTSC G&S) và Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dịch vụ khảo sát sự xâm nhập của nước vào trong chân đế giàn khai thác dầu khí biển (FMD) bằng kỹ thuật soi gamma truyền qua.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dịch vụ giữa Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm (PTSC G&S) và Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI)
Tham dự Lễ ký có Ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm (PTSC G&S), ThS. Bùi Quang Trí - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) và các cán bộ quản lý, kỹ thuật của hai đơn vị.
Trong lễ ký kết ThS. Bùi Quang Trí - Phó Giám đốc Phụ trách CANTI cam kết hoàn thành thiết kế chế tạo 02 thiết bị vào trong tuần tháng 3/2021. Hai bên cùng nhau tiến hành hành đăng ký bản quyền, xin chứng nhận phương pháp và thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế và sẽ tiến hành triển khai dịch vụ từ Quý II/2021.
ThS. Bùi Quang Trí, cho biết việc phát triển công nghệ trong nước để khảo sát sự xâm nhập của nước vào trong chân đế giàn khai thác dầu khí biển có ý nghĩa rất quan trọng vì nó khẳng định năng lực của đội ngũ cán bộ của CANTI trong việc tiếp cận công nghệ mới, Công ty PTSC G&S không phải phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đáp ứng nhanh nhất phục vụ cho sản xuất và dịch vụ. Quan trọng hơn, theo ước tính giá thành dịch vụ sẽ hạ thấp chỉ còn bằng khoảng 2/3 so với dịch vụ thuê nước ngoài, mà có chất lượng dịch vụ tương đương, thập chí còn hơn do CANTI sẽ bổ sung thêm các chức năng mới cho thiết bị.
Theo tính toán hiện nay trên thềm lục địa Việt Nam có khoảng trên 40 giàn khoan biển (chưa tính các giàn khoan của XN Liên doanh Vietsovpetro). Theo quy định hiện hành, các giàn khoan biển phải kiểm tra định kỳ 2 lần/5 năm. Như vậy, mỗi năm sẽ tiến hành kiểm tra khoảng 16 giàn khoan biển, giá thành dịch vụ kiểm tra ước khoảng 250 triệu/1 giàn, thì riêng dịch vụ này hàng năm sẽ mang lại doanh thu cho CANTI khoảng 4 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào hoạt động tự chủ của CANTI.
Việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty PTSC G&S và CANTI, ngoài việc triển khai dịch vụ khảo sát sự xâm nhập của nước vào trong chân đế giàn khai thác dầu khí biển (FMD) bằng kỹ thuật soi gamma truyền qua, hai bên còn cam kết hợp tác trong các lĩnh vực khác mà hai bên cùng có thế mạnh nhằm mục đích tăng cường tìm kiếm các cơ hội để mang lại hiệu quả và lợi ích cao nhất cho các bên hợp tác. Cơ hội để CANTI mang các dịch vụ của Công ty PTSC G&S sang Trung Đông và Công ty PTSC G&S mang các dịch vụ của CANTI vào áp dụng thường xuyên cho ngành dầu khí trong nước cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á là rất gần. Chi tiết các nội dung hợp tác này sẽ được hai bên thoả thuận trong một văn bản khác.
Buổi lễ ký kết đã diễn ra thành công tốt đẹp và kết thúc vào buổi chiều cùng ngày. Việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty PTSC G&S và CANTI, một lần nữa cho thấy sự phát triển và tính chuyên nghiệp của CANTI cũng như khẳng định sự tin tưởng của Công ty PTSC G&S vào năng lực của CANTI.
Một số hình ảnh tại buổi Lễ ký kết: