Nội địa hoá công nghệ, thiết bị và ứng dụng thành công tại mỏ Chim Sáo mở ra một dịch vụ mới cho Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp

Được cập nhật : 4/22/2021 7:44:39 PM

Kiểm tra ngập lụt chân đế giàn khoan biển có thể thực hiện bằng phương pháp siêu âm hoặc phương pháp soi gamma. Phương pháp soi gamma, cho kết quả nhanh chi phí thấp hơn rất nhiều so với phương pháp siêu âm, do đó hiện nay trên thế giới thường sử dụng phương pháp soi gamma. Tại Việt Nam nhu cầu kiểm tra ngập lụt  chân đế giàn khoan biển là rất lớn, nhưng trước đây đều phải thuê chuyên gia và thiết bị nước ngoài. Nhằm nội địa hoá công nghệ và thiết bị để phục vụ có hiệu quả cho sản xuất công nghiệp, Trung  tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI), thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm (PTSC G&S), nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công thiết bị gắn trên hệ thống robot điều khiển tự động lặn dưới đáy biển để kiểm tra ngập lụt chân đế giàn khoan. Phương pháp và thiết bị đã được công ty kiểm định hàng đầu trên thế giới (Lloyd’s Register) kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng.

 

Trên cơ sở đó, từ ngày 8 đến ngày 18/4/2021, CANTI cùng với PTSC G&S đã tiến hành  đã khảo sát, kiểm tra ngập lụt chân đế giàn khoan cho Công ty Premier Oil Vietnam Offshore B.V. tại Mỏ Chim Sáo, thuộc Lô 12W, bể Nam Côn Sơn, nằm ở thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Vũng Tàu gần 400 km về phía Đông Nam. Trong hơn một tuần triển khai dịch vụ tại Mỏ Chim Sáo, bằng công nghệ trong nước, tính chất chuyên nghiệp cao của đội ngũ cán bộ, CANTI cùng với PTSC G&S đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc theo yêu cầu của Công ty Premier Oil Vietnam Offshore B.V.

 

Thành công dự án đầu tiên này có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó tiếp tục khẳng định năng lực của đội ngũ cán bộ CANTI trong việc tiếp cận công nghệ mới. Đồng thời nó cũng mở hướng dịch vụ mới (dịch vụ: Flooded Member Inspection-FMI) có tính thường xuyên và chuyên nghiệp ở đẳng cấp Quốc tế cho CANTI để tăng và ổn định doanh thu nhằm đáp ứng nhu cầu tự chủ của một tổ chức khoa học công nghệ công lập.

 

Theo kế hoạch, từ ngày 23/4/2021 tới đây, Trung tâm tiếp tục triển khai dịch vụ FMI cho Công ty dầu khí Việt Nhật (JVPC). Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều công ty khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam biết đến và sử dụng dịch vụ FMI của CANTI và PTSC G&S.

 

Một số hình ảnh trong quá trình triển khai dịch vụ tại Mỏ Chim Sáo:

 

Thiết bị do CANTI chế tạo được gắn trên robốt của PTSCG&S cùng với đội ngũ
chuyên gia của hai bên trên đường ra biển triển khai dịch vụ

 

Hoạt động kiểm tra ngập lụt chân đế giàn khoan tại mỏ Chim Sáo

Tin liên quan