CANTI BẢO VỆ THÀNH CÔNG ĐỀ TÀI “ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH DẤU ĐỂ NGHIÊN CỨU HƯỚNG VÀ TỐC ĐỘ DỊCH CHUYỂN NƯỚC BƠM ÉP TRONG THÂN DẦU TRẦM TÍCH LỤC NGUYÊN MỎ BẠCH HỔ VÀ RỒNG”

Được cập nhật : 8/5/2024 10:15:19 AM

Hội đồng đánh giá nghiệm thu do TS. Nguyễn Lâm Anh, Phó Tổng Giám đốc Liên doanh Vietsovpetro đảm nhiệm vai trò Chủ tịch; các thành viên tham gia Hội đồng gồm: Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế dầu khí biển (NIPI), Phó Giám đốc - Chánh địa chất Xí nghiệp khai thác dầu khí, Trưởng phòng Địa chất khai thác mỏ, Phó trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất, thuộc Vietsovpetro. Tham dự buổi bảo vệ còn có các cán bộ, kỹ sư dầu khí của các đơn vị trực thuộc Vietsovpetro. Về phía CANTI có ThS. Bùi Quang Trí - Giám đốc Trung tâm, KSC. Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch Hội đồng KHCN&ĐT của Trung tâm, Trưởng phòng Hành chính& Kế hoạch, Phụ trách Phòng Kỹ thuật đánh dấu và các cán bộ khoa học của CANTI tham gia thực hiện Đề tài.

 

Mục tiêu của đề tài là Nghiên cứu hướng và vận tốc nước bơm ép từ giếng bơm ép 130 (MSP-4) đến các giếng khai thác (83, 93, 110 và giếng 40) và từ giếng bơm ép 429 (BK-4) đến các giếng khai thác (457, 2002BB, 6001 và giếng 415B) trong thân dầu trầm tích lục nguyên mỏ Bạch Hổ và Rồng bằng công nghệ đánh dấu liên giếng.

 

Tại buổi bảo vệ đại diện CANTI đã trình bày tóm tắt các kết quả thực hiện Đề tài sau 2 năm nghiên cứu tại hiện trường, cụ thể là: CANTI đã sử dụng chất đánh dấu hóa học 2-FBA với khối lượng 100 kg đã được pha chế thành 625L dạng dung dịch được bơm dạng xung vào Giếng 130 (MSP-4) và 40 kg chất đánh dấu 2345-TFBA dưới dạng dung dịch  bơm dạng xung vào Giếng 429 (BK-4). Sau đó tiến hành quan trắc tại 11 giếng khai thác xung quanh hai cụm giếng bơm ép bằng việc lấy mẫu theo thời gian và đưa về phòng thí nghiệm của CANTI để phân tích chất đánh dấu, thành phần hóa học nước và đồng vị bền δD và δ18O. Kết quả nghiên cứu sau khi xử lý đã xác định được: Thời điểm xuất hiện chất đánh dấu tại giếng 40 là 213 ngày, giếng 6001 là 403 ngày và giếng 415B là 458 ngày; hướng và tốc độ dịch chuyển của nước bơm ép, cụ thể như sau: Giếng bơm ép 130 vận động theo hướng đến giếng 40 với vận tốc di chuyển là 0,9m/ngày; Giếng bơm ép 429 vận động theo hướng đến giếng 6001 và giếng 415B với vận tốc di chuyển đến giếng 6001: kênh 1 là 1,37m/ngày, kênh 2 là 1,07m/ngày và đến giếng 415B: kênh 1 là 0,88m/ngày, kênh 2 là 0,57m/ngày. Kết quả nghiên cứu cũng đã xác định được tổng thể tích quét giếng 40 là Vs = 8482 m3, giếng 6001 là Vs = 6641 m3 và giếng 415B là Vs = 4769 m3; sự phân bố nước bơm vào giếng khai thác cụ thể là: giếng 40 chiếm 10,1% lượng nước từ giếng bơm 130, Giếng 6001 chiếm 6,7% lượng nước bơm từ giếng 429 và giếng 415B chiếm 3,7% lượng nước bơm từ giếng 429; Đề tài cũng đã xác định tỷ lệ nước bơm và nước mỏ trong giếng khai thác có xuất hiện chất đánh dấu, cụ thể là Giếng 40 là 100%, Giếng 6001 là 45,71% và giếng 415B là 31,76%; đã xác định được độ thấm trung bình tại các vùng giếng 130 - 40 là 14,6 mD, giếng 429 - 6001 trung bình là 22,7 mD và giếng 429 - 415B trung bình là 13,7 mD.

 

KSC. Nguyễn Hữu Quang- Chủ tịch Hội đồng KHCN&ĐT của Trung tâm

trình bày tóm tắt các kết quả thực hiện Đề tài

 

Phó Tổng Giám đốc Liên doanh Vietsovpetro, Nguyễn Lâm Anh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đề tài, từ kết quả nghiên cứu này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mỏ trong vùng khảo sát để điều chỉnh hợp lý chế độ bơm ép, điều chỉnh Mô hình mỏ. Đặc biệt kết quả nghiên cứu của Đề tài là cơ sở để Vietsovpetro quyết định triển khai Dự án bơm Polymer nhằm thu hồi dầu tăng cường.

 

Đề tài nghiên cứu “Áp dụng phương pháp đánh dấu để nghiên cứu hướng và tốc độ dịch chuyển nước bơm ép trong thân dầu trầm tích lục nguyên mỏ Bạch Hổ và Rồng”, do Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, chủ trì thực hiện trên cơ sở hợp đồng nghiên cứu với doanh nghiệp (Hợp đồng số 0780/22/T-N2/KT-CANTI), đây là một hướng đi đúng của CANTI, nó cũng phù hợp với chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ “Lấy doanh nghiệp làm Trung tâm”, kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp. Đề tài đã được bảo vệ thành công, được Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Vietsovpetro đánh giá cao về kết quả nghiên cứu và sẽ được Vietsovpetro sử dụng để phục vụ trực tiếp cho sản xuất, góp phần khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước.

 

Một số hình ảnh tại buổi báo cáo:

 

 

 

Tin liên quan